img

Session 13: Tính thơ và khả năng đánh thức các giác quan trong phim của đạo diễn

Diễn giả:

Đạo diễn Trần Anh Hùng | Recapped by: Dentsu Redder

Có lẽ sức hút của một người nghệ sĩ nằm ở cách anh ta thể hiện “cái tôi” trong những tác phẩm của mình. Và để giải mã “sức hút” của đạo diễn Trần Anh Hùng - một người Pháp gốc Việt với những tác phẩm để đời cho nền điện ảnh Việt Nam.
img img img
Chọn kênh nghe podcast:
Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống.

Dentsu Redder Impact Academy hân hạnh cùng được trò chuyện với đạo diễn qua nhiều góc nhìn đa chiều về nghệ thuật Điện ảnh, về cá tính và năng lực có trong một người nghệ sĩ, về đam mê và dấn thân, về Văn hóa Việt Nam cùng những câu chuyện thường nhật trong chủ đề “Tính thơ và khả năng đánh thức các giác quan trong phim của đạo diễn Trần Anh Hùng”. Cùng lắng nghe và chia sẻ các bạn nhé. 

 

1.  Mở đầu cuộc trò chuyện, anh Hùng bộc lộ rằng nguồn cảm hứng nghệ thuật mà anh có được, cũng như những người làm nghệ thuật, đều phải bắt đầu với cảm hứng cá nhân. Cảm hứng cá nhân, chính là những rung động cảm xúc cường đại, hoặc sâu lắng nhưng đều thôi thúc chúng ta phải làm một cái gì đó, phải hành động, phải bộc lộ ra bên ngoài. Điển hình như một trong những nguồn cảm hứng của anh là sợ phim mình làm ra sẽ giống phim Trung Quốc, ở cái thời mà anh bắt đầu làm phim, nên anh loại bỏ thẳng thừng gam màu đỏ đặc trưng của những phim Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”, một bộ phim đậm chất thơ trong từng phân cảnh, nhịp điệu, lời thoại, thanh âm (tiếng ve) và tính cách của nhân vật. Đây là một quyết định về mặt thẩm mỹ mà chúng ta có thể quyết định được. Cũng nói về tính thẩm mỹ, một người làm phim, phải hiểu cái chất thẩm mỹ mà chúng ta muốn tạo ra là gì, và đặc biệt hơn, cái chất thẩm mỹ mà “mình” là người cảm nhận, nó là cái gì – đây chính là cái chất sẽ tạo ra bộ phim.

Là một người sống xa Việt Nam, anh Hùng nhận định rằng anh nhận ra được những dấu ấn đặc trưng của văn hoá dễ hơn những người “sống” thường nhật trong văn hoá đó, có thể vì sự thân thuộc đôi khi làm cho con người dễ quên đi sự đặc sắc, hay điểm mới mẻ của nó, hoặc bởi vì chúng ta đang chiêm nghiệm một thứ “quá chính xác theo lề lối thường nhật/ký ức và cảm xúc/thói quen của chúng ta”. Đây cũng là một điều tương tự như trong “This is water” của David Foster Wallace, khi mà 2 chú cá đang bơi, được một con cá ngược chiều khác hỏi rằng: How is the water – nước hôm nay thế nào? 2 chú cá kia ngẩn ngơ vì “Nước là cái gì?”

Một người làm phim, hay một người làm sáng tạo, phải biết cách đặc mình tương quan trong cái mà mình muốn lột tả, muốn đặc tả. Cụ thể, người ta phải biết đặt mình trong sự mới lạ, đặt mình ra ngoài sự vật hiện tượng để có cái nhìn mới lạ, tổng quan, để chiêm nghiệm và nhìn nhận sự vật ấy một cách toàn cảnh nhất. Sau đó, người làm sáng tạo mới đắm chìm vào trong sự vật, hiện tượng ấy để quan sát được sự vận động nội tại mà mình là một đối tượng quan trọng, đang trực tiếp tương tác và “sống” cùng sự vật hiện tượng ấy, để dùng xúc cảm của mình mà truyền dẫn những rung động của mối quan hệ từ bên trong, đến những người khác. Nếu làm được cả hai, người làm sáng tạo, người làm phim không những có thể đem đến sự tươi mới cho khán giả, mà còn có thể truyền tải được những rung động cảm xúc, những nguồn cảm hứng để tiếp tục khai thác những khía cạnh khác của sự vật, hiện tượng.

Phim Việt Nam của Trần Anh Hùng, theo đó, không chứa đựng cái nhìn thông thường của một con người Việt Nam sống tại Việt Nam thường nhật nhìn nhận về Việt Nam. Lấy ví dụ một miếng lá chuối gói xôi đối với chúng ta có thể là rác, nhưng đối với Trần Anh Hùng, xôi lấm tấm trên nền chuối xanh là một nét đẹp, một sự mới, một cảm giác thẩm mỹ nhất định, đó chính là sự tươi mới. Và sự tươi mới này là góc nhìn chứ không phải nội dung (lá chuối gói xôi). Vậy làm sao truyền tải được góc nhìn?

Là phải tìm cái “tứ” trong cái “có”. Tìm được sợi dây liên kết về mặt cảm xúc, tìm được sự rung động chao ôi khi nhìn những sự vật, những cái “có” thông thường. Nghệ thuật chính là cái nhìn, chứ không phải nội dung. Bằng chứng là cũng với 1 nội dung, 1 mô tuýp thì vẫn có phim hay bỏ xa hàng loạt những phim khác, ví dụ như cùng là chủ đề về theo đuổi đam mê nhưng La La Land lại nhìn đam mê, nghị lực trong câu chuyện cuộc sống tiếp diễn, lựa chọn của mỗi người sẽ dẫn họ tiến về phía trước, nhưng lại rời xa nhau; trong khi trong The Greatest Showman, người ta lại tìm thấy nhau trong những cơn say tham vọng, nhưng chính là lúc tỉnh ở đỉnh cơn say; hoặc trong Soul, đam mê, mục đích sống lại là thứ ta chọn được hoặc là thứ có thể đè bẹp chính chúng ta, trở thành cơn ám ảnh kinh hoàng nhất.

 

La La Land - Phim trên Google Play

 

2.   Để có được góc nhìn sắc sảo, cần sự tập trung sắc bén. Vậy thì mình tập trung vào cái gì, ngoài tính thẩm mỹ? Đó là chúng ta tập trung vào cái đúng. Khi mà nó đúng thì nó sẽ đẹp. Vậy thì cái đúng, là đúng cho cái gì? Đúng con người, đúng tâm lý tâm lý nhân vật, đúng bối cảnh, đúng chừng đúng mực v.v Nếu như chỉ vì yêu cái đẹp, chúng ta cho tất cả những thứ chúng ta cho là đẹp vào trong một cảnh phim, thì có thể chính cái đẹp ấy lại giết chết cái đẹp thật sự của cảnh phim ấy, hoặc tổng hoà lại, chẳng có gì đẹp một cách xuất sắc hay đẹp một cách thẩm mỹ, chỉ là cái đẹp rời rạc. Khi chúng ta làm đúng thì chất thẩm mỹ sẽ hiện lên như một kết cuộc tất yếu, và chất thẩm mỹ đó, sẽ có gốc rễ, sẽ có nội hàm, có nền tảng để có thể được “cảm” được “hiểu” một cách đúng đắn và trọn vẹn. Theo góc nhìn này, một đống rác dù bẩn, dù không “đẹp” theo lý lẽ thông thường, thì nó vẫn có thể “đẹp” trong một góc nhìn “đúng đắn”, mang tính thẩm mỹ.

 

3.   Để khai thác một đối tượng một cách sâu sắc, chúng ta phải nắm bắt được “hiện tại” và “hiện thực” của đối tượng đó. Đây là một chuyện không dễ dàng. Những người luyện tập thiền sẽ hiểu được khái niệm này nhanh hơn, vì thiền đạo chứa đựng trong nó khái niệm và phương thức làm được điều này. Thiền đạo xem trọng giây phút hiện tiền và chỉ cho người thực hành chú trọng đến giây phúc hiện tiền, và những gì đang diễn ra trong hiện thực của giây phúc ấy. Bằng cách đó, con người sống trong phút giây đó mạnh mẽ hơn, có sức sống hơn và sâu sắc hơn vì họ sống “đầy” hơn. Chính sự sống đầy đó giúp cho họ tiếp thu được và tiếp nhận trọng vẹn những “lát cắt” của cuộc sống nhưng không làm mất đi yếu tố tổng thể, và từ đó họ có thể chọn những gì đắc nhất, đẹp nhất (theo nghĩa thẩm mỹ, góc nhìn có chủ ý) mà không làm mất đi tính đúng đắng của nó. Đây cũng là một khía cạnh khác của “cái nhìn/góc nhìn” của người nghệ sỹ. Để có được “con mắt” hay “góc nhìn” này không phải là chuyện dễ dàng. Đầu tiên chúng ta phải nhìn và muốn nhìn đã, sau đó chúng ta phải muốn nhìn ở góc nhìn khác, nhìn nhận ở góc nhìn khác và các góc nhìn khác nhau và chọn ra góc nhìn mà ta muốn nhìn nhất, rung động nhất và quan trọng nhất, muốn chia sẻ góc nhìn đó với người khác – sự tươi mới mà mình muốn đặt cặp mắt mình lên đó. Khi đã quen nhìn sự vật sự việc ở góc độ tươi mới, hoặc quen với chuyện muốn nhìn mọi thứ ở góc độ tươi mới, thì ngay cả khi xem một bộ phim nào đó không quen thuộc với văn hoá của chúng ta, chúng ta cũng sẽ tự hỏi rằng đạo diễn có cái nhìn độc đáo nào, hay dụng ý nghệ thuật của đạo diễn là gì? Và bắt đầu “cặp mắt” của chúng ta sẽ dò tìm những thứ “tươi mới” ấy để cảm nhận “góc nhìn” của đạo diễn – về bối cảnh, con người, cách khai thác những “vật liệu” đó.

 

Đạo diễn Trần Anh Hùng trở lại với Vĩnh Cửu

 

4.   Đối với một người đạo diễn, nghệ sỹ khi đem cái mới. khi đưa góc nhìn của mình vào các tác phẩm nghệ thuật, hãy yên tâm rằng khán già dù chưa quen với góc nhìn, chưa hiểu được cái tươi mới ấy thì họ vẫn nhận được món quà từ góc nhìn, từ sự tươi mới ấy một cách trọn vẹn, dù, để nhắc lại, họ hoàn toàn không biết gì ở thời điểm đó. Chính bởi cái chất nhạy cảm trong tâm hồn của một con người, mà khác giả có thể “nhận” được món quà ấy. Vì sao? Vì cái chất nghệ thuật thật sự không hỏi ý kiến họ là nó được phép thâm nhập vào con người của họ hay không, nó cũng cũng không trưng cầu sự chấp nhận của họ rằng liệu đây có phải là góc nhìn mà họ muốn thấy. Nó chỉ đơn giản tồn tại, ở đó, và “đi vào” khán giả. Tuy gọi đây là “sự nhiểm” nhưng người bị nhiễm có thể không nhận thức được rằng mình bị nhiễm. Mặt khác, khán giả cũng phải “chịu trách nhiệm” cho sự cảm nhiễm nghệ thuật, chính bởi sự dễ cảm nhiễm nói trên. Khán giả cần tôi luyện rung động nghệ thuật, cảm quan nghệ thuật, sự nhảy cảm nghệ thuật bằng những bộ phim hay, những thể loại nghệ thuật mà trong đó người nghệ sỹ trưng ra góc nhìn độc đáo của mình. Cũng giống như nuôi ấm trà, ta phải nuôi nó với “trà ngon”. Con người cần làm cho chất nhạy cảm của mình phong phú hơn.

Vậy làm sao để bắt đầu, chúng ta chỉ cần bắt tay vào làm. Trần Anh Hùng chia sẻ, lúc bắt đầu làm phim, anh cũng phải đọc rất nhiều sách, xem rất nhiều phim để từ đó rút ra được những cái anh thích và không thích, và sự hiểu bản thân về khẩu vị đó, hiểu được tại sao mình thích, tại sao mình không thích, và đó là một “kho tàng”/”gia đình nghệ thuật”. Mặt khác, khi chúng ta đứng giữa những khẩu vị và sự hiểu biết đó, đặt mình vào trong vai trò của người sáng tạo, chúng ta sẽ thấy những sự lựa chọn xuất hiện ở khoảng không của “sáng tạo” và “suy nghĩ”. Anh cũng chia sẻ một ví dụ về một quyển sách mà chỉ mới đến trang 13, vì một chi tiết nhỏ, anh đã thấy rất khó chịu, cụ thể là tác giả đã xâm phạm vào không gian của nhân vật chính, người dẫn dắt độc nhất của câu chuyện. Tóm lại, mình là người biết khi mình đã làm, mình là người dựng nên “gia đình nghệ thuật” và “khẩu vị” của chính bản thân mình thông qua “làm”, “đọc”, “xem”, “suy ngẫm”. Đừng bao giờ nghĩ mình cần tất cả câu trả lời, hoặc phải biết hết thì mới sáng tác. Những góc nhìn đôi khi sẽ được phát triển trên con đường chúng ta đi, thông qua sự lựa chọn của chính bản thân chúng ta. Cũng đừng cho rằng chúng ta phải làm chủ, phải điều khiển từ những chi tiết nhỏ nhất, phải lúc nào cũng trong tâm thế a rồi đến b, chuyện này sẽ dẫn đến chuyện kia và tôi hoàn toàn nắm được từng đường đi nước bước. Điều này không cần thiết. Quan trọng nhất là chúng ta tìm được sự rung động, trong hành trình sáng tạo, trong những quyết định chúng ta phải cảm được mạch cảm xúc, hay nhịp đập của con tim.

Thật vậy, nghệ thuật là góc nhìn, mà trong mỗi góc nhìn ấy là những rung động hay xung động của cảm xúc. Nếu chúng ta muốn truyền tải cái biết, truyền tải tri thức hay làm rõ một suy nghĩ, ý tưởng nào đó mà ưu tiên quan trọng nhất là logic, là sự mạch lạc, rõ ràng và đồng nhất, thì chúng ta nên viết sách hay một loại văn bản nào đấy.  Còn thế giới của nghệ thuật là cảm xúc. Mà cảm xúc thì phức tạp và có khi vô lối, có khi phi logic, khó hiểu và rối rắm.

 

5. Người làm nghệ thuật phải truy cầu một cảm xúc nào đó khiến mình xúc động, và dựa vào đó để tiến bước. Có thể cảm xúc đó là thương, ghét, là một sự khó phân định thương hay ghét, mà nếu cảm xúc đó khiến mình muốn bộc lộ suy nghĩ, chia sẻ góc nhìn, thì đó là một “xương sống tốt”. Và một người làm phim, làm nghệ thuật cũng không nhất thiết phải sống qua hết tất cả những gì mình cho là chất liệu quan trọng “phải” có trong tác phẩm. Nếu có thì tốt. Nếu không, cũng không quá quan trọng.

Mặt khác, não người có thể tái hiện lại hoặc cài đặt các cảm giác mà chúng từng được tiếp xúc và cảm nhận một cách chi tiết. Não không phân biệt được cảm giác “thực tế” trải nghiệm hay là “tưởng tượng”. Bằng chứng là khi anh Hùng thí nghiệm với việc detox và xem các chương trình ẩm thực, não phần nào tin rằng anh ấy đang được ăn ngon. Do đó, bằng cách “sống” và “trải nghiệm” một cách “gián tiếp”, người làm nghệ thuật có thể “vay mượn”, hoặc tái tạo những cảm nghiệm mà họ muốn từ những thế giới khác như sách báo, tranh ảnh, phim hay cuộc sống. Do đó, cần sự nhạy cảm với chính bản thân để hiểu những biến chuyển nhỏ nhất để từ đó bồi dưỡng nội tâm sâu sắc và phong phú.

Khi đi xem một bộ phim, dù đó là kịch bản gốc hay là dựng từ các tác phẩm đi nữa, người xem đừng vội so sánh, hãy xem đi đã. Khán giả hãy nhận những gì từ bộ phim đó mang lại rồi hãy hạ hồi phân giải. Nếu như bảo rằng phim chuyển thể từ sách hay một nguồn cảm hứng nào đó, hãy đặt câu hỏi rằng trong phim ấy, đạo diễn muốn trung thành với cái gì? Ông muốn trung thành với cốt truyện gốc? Ông muốn trung thành với nhân vật? Hay ông muốn trung thành với cái cảm xúc mà ông nhận được từ một tình tiết nào đấy trong cốt truyện gốc? Cũng cần phân biệt rõ phim và sách là 2 lĩnh vực khác nhau, cũng như sự tiếp nhận cốt truyện giữa phim (2 tiếng) và sách (2 tháng ví dụ) là khác nhau trong cùng 1 bản thể của khán giả. Khi khán giả muốn so sánh, khán giả cũng cần tự nhận thức được về (1) Khả năng so sánh đã ở bậc nào? Và (2) Cảm xúc của chính bản thân khi xem 1 trong 2 hoặc cả 2 sách và phim. Tại sao người đi xem muốn mình phải xem một thứ y như sách? Tại sao chúng ta lại mong chờ rằng sách và phim phải truyền tải “góc nhìn” như nhau và diễn tiến cốt truyện tuần tự như nhau? Đạo diễn là người, như nói ở trên, có trách nhiệm chọn lựa góc nhìn, chọn lựa những gì tinh túy nhất để gửi đến khán giả, mong sao nó có thể nuôi dưỡng chất nhạy cảm, chất nghệ thuật trong lòng họ hoặc hơn nữa là làm họ rung động như chính bản thân mình.

 

5 bộ phim của Trần Anh Hùng được báo Tây khen nức nở

 

Mặt khác, có thể chúng ta đang tưởng tượng về tác giả của quyển sách này đang có những kỳ vọng mà thực ra là sự diễn dịch hay là ước vọng của bản thân chúng ta. Người đạo diễn nếu chị đọc quyển sách của tác giả, có quyền giả định rằng đây chỉ là một con người xa lạ, không có một kỳ vọng nào đối với sự diễn dịch của mình và chuyển thể thành phim. Ta chỉ có thể biết ơn họ đem đến cho ta một góc nhìn thú vị, một nguồn cảm hứng hay ho, một chi tiết hay những nhân vật giúp ta có thêm chất liệu và cảm xúc làm phim. Vậy là đã đủ. Nhà văn đã thành công trong vai trò của họ và ta sẽ thành công trong việc đem đến góc nhìn qua tác phẩm điện ảnh của ta.

6. Trong phim, ngôn ngữ điện ảnh là khả năng mã hoá và kiến tạo những chỉ dấu: giai điệu, lời thoại, phân cảnh, nhịp điệu, màu sắc… sao cho nó chạm đến các giác quan. Ngôn ngữ điện ảnh rất phong phú mà những loại hình nghệ thuật khác có thể không tạo ra được. Càng tinh tế thì sẽ càng chạm vào sâu trong tâm hồn của người xem, mà họ thật sự khó mà nhận ra được nó đã chạm như thế nào. Họ chỉ đưa tâm hồn ra và ghi nhớ. Vì trong mỗi con người đều có những “bộ giải mã” những “mã hoá” đó và đưa chúng trở thành những chuẩn mực mới trong cách thức nhìn nhận thế giới hay sự vật hiện tượng. Ta gọi đó là sự dung nạp về mặt góc nhìn thông qua chất cảm nghệ thuật. Và làm được điều đó là ta đã thành công trọng việc đụng chạm vào cấu trúc tinh thần của con người.

Trong ngôn ngữ điện ảnh, pháp ngữ cũng chiếm vai trò khá quan trọng. Mỗi nhân vật, mỗi xã hội đều có những loại pháp ngữ nhất định mà nhất định người làm nghệ thuật phải tri nhận được. Khả năng dùng từ tạo ra câu, từ các câu tạo ra nhịp điệu, tạo ra hình ảnh, tạo ra cảm giác và nhạc điệu, sẽ làm tăng tính gợi cảm và tác động đến cảm xúc. Câu chữ gặp nhau, xem như tâm ý hòa hợp, giữa những câu thoại của nhiều nhân vật, hay của nhân vật với chính mình, với cảnh quan xung quanh và thanh âm của sự im lặng.

 

7. Bàn về chất thơ, Trần Anh Hùng cho đó là sự thoả thuận của đạo diễn, người làm công việc sáng tạo và khán giả. Nếu như mình có chú tâm có để ý đến chất thơ, thì chắc chắn khán giả sẽ cảm được mà họ có thể ko lý giải được chất thơ đó nằm ở đâu, và sự hình thành nó như thế nào. Tuy nhiên họ sẽ biết đó là chất thơ. Ví dụ như trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng, từ cảnh nhà văn Mạnh Cường chán chường cho đến cảnh cô vợ thông báo tin vui, những phân cảnh, những hành động, những câu thoại, cử chỉ nhân vật và các cảnh quan thiên nhiên xung quanh đều được sắp xếp hết sức nhẹ nhàng, có chủ ý và làm nổi bật nhân vật cũng như những tình tiết quan trọng. Tất cả những chi tiết đó phối hợp với nhau tạo thành chất thơ của những cảnh phim trong trích đoạn trên. Và trong không gian đó, nhân vật tiến rất gần với hiện thực, tưởng như đó là 1 lát cắt của hiện thực nào đó được “tăng cường” một chút thanh âm, một chút lãng mạng, một chút riêng tư, một chút tự nhiên v.v Có thể thấy chất nhạy cảm của điện ảnh sẽ giúp người xem cảm nhận được trọn vẹn dụng ý này. Nhưng đồng thời cũng không làm mất đi sự “thực” và đời của cảnh quay. Trái lại, đôi lúc có những sự bố trí sắp đặt, tưởng chừng như hoàn hảo nhưng lại không phổ thơ cho đời, mà chỉ là một cảnh quay của phim, mãi mãi không bước ra khỏi màn ảnh để lại một cảm giác trong trẻo cho khán giả.

Người làm phim cũng phải chú ý đến âm thanh và diễn tiến của âm thanh trong góc nhìn mà mình đã chọn. Lấy ví dụ cũng đoạn trích trên, tiếng ve dường như nhiều hơn sau khi cô vợ báo tin vui. Ta nghe được tiếng nói và tiếng lá, cũng như đâu đó tưởng tượng được nhịp đập con tim của hai vợ chồng, tiếng nước và tiếng bong bóng xà phòng cứ tí tách tan đi.

 

8. Bàn về chân dung Việt Nam trong phim và bản sắc Việt trong phim, Trần Anh Hùng cho rằng phải trung thành với ngôn ngữ điện ảnh, thấu triệt ngôn ngữ điện ảnh thì khi “rót” những chất Việt Nam vào sẽ đúng và tự nhiên một cách hoàn hảo, hơn là đem câu chuyện bản sắc lên hàng đầu và dựng phim bản sắc ấy. Ngôn ngữ điện ảnh có chuẩn, thì nó mới tôn vinh được bản sắc Việt lên trong góc nhìn mà nó đang truyền tải. Có yếu tố Việt tự khắc có bản sắc trong phim. Nếu ngôn ngữ điện ảnh không chuẩn, có nghĩa là trong phim của ta có yếu tố chưa được bố trí đúng chỗ, vậy thì như đã bàn ở trên, yếu tố thẩm mỹ chưa được đảm bảo một cách sắc xảo. Như chúng ta đã thấy, có rất nhiều phim Việt mang yếu tố Việt lên phim nhưng lại chưa có được ngôn ngữ điện ảnh sắc xảo, nên đâm ra xem phim Việt mà thiếu linh hồn và chưa thấy được “bản sắc” đúng nghĩa. Ví dụ như để miêu tả một sự cãi nhau của hai vợ chồng, 1 cặp ở Châu Âu và 1 ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rằng đâu đó chúng ta cần miêu tả sự cãi nhau bằng âm thanh, ngôn từ, hành vi, các diễn tiến v.v hệt như nhau nhưng trong mỗi cấu phần của cái ngôn ngữ điện ảnh ấy, chúng ta phải chọn góc nhìn, chọn cách thể hiện để nó ra được tâm lý và hành xử của nhân vật trong góc nhìn châu Âu, góc nhìn Việt Nam. Chúng ta phải tìm cái chất liệu cãi nhau trong thực tế cuộc sống của châu Âu, của Việt Nam và sau đó dùng góc nhìn và ngôn ngữ điện ảnh để đưa nó lên phim. Đảm bảo rằng, trong mỗi thức phim, khán giả sẽ thấy được sự khác biệt. Nhưng để luận bàn rằng thật sự có hay không bản sắc Việt hay bất kỳ bản sắc nào, thì chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận rằng: Khán giả có hiểu biết về bản sắc văn hoá đó không? Và đạo diễn/tác giả có mang trong mình bản sắc văn hoá đó không? Để cùng gặp nhau trao và nhận món quà ấy. Đó mới thật sự là sự nhìn nhận về bản sắc văn hóa trong điện ảnh ở chiều sâu của khái niệm.

 

9. Tóm lại, khi chúng ta xem phim, chúng ta xem đã rồi tập phân tích vì sao phim ấy hay, vì sao cảnh quay đó đắc? Vì sao phim lại có mạch như vậy? Các nhân vật được cấu thành ra sao? Và hơn nữa, tác giả đang ở đâu, đang nhìn hướng nào trong bộ phim này? Khi xem phim, khoan luận bàn về bản sắc văn hoá, khoan xét đoán này nọ, hãy tập trung vào việc nhìn nhận, xác định và thưởng thức ngôn ngữ điện ảnh, cái đúng đắn, cái thẩm mỹ, cái đẹp của các chi tiết và tổng thể. Nhưng không có nghĩa vì vậy mà “xem” và “cảm” phim dễ dàng. Phải có kiến thức điện ảnh, phải nắm được điện ảnh là gì và giá trị của điện ảnh và ngôn ngữ điện ảnh. Mặt khác, cảm nhận nhịp điệu trong phim, cảm nhận chất nhạc trong từng thước phim phục vụ cho đối tượng nào trong toàn bộ phim. Nếu không quan tâm về nhịp điệu thì một cuốn phim sẽ không thể trọn vẹn và sẽ bị phân tách, sẽ bị rời rạc và không đem được sự sống đến với cảm nhận của chúng ta. Nhịp điệu là một phần quan trọng trong linh hồn của phim. Nói cách khác, xem phim phải cảm nhận được “ngữ pháp” của phim để từ đó có sự phân tích hay, chưa hay một cách chuẩn xác hơn. Muốn vậy phải hiểu biết về điện ảnh chuẩn xác, khoa học hơn và trau đồi “chất cảm”.

Đối với các đạo diễn trẻ và các bạn trẻ làm nghệ thuật, nhất thiết phải tìm ra được trong nội tâm sự rung động cảm xúc. Hãy thật sự bắt tay vào làm và để cho những tri kiến của chính bản thân được phép thể hiện và được phân tích, lựa chọn, trở thành vốn sống và “gia đình nghệ thuật” của chính mình. Hãy trau dồi chất cảm, hãy sáng tạo và cho phép sáng tạo sáng tạo tiếp những cột mốc của tương lai. Hãy luôn nhớ rằng không có thước đo tuyệt đối cho một giá trị, nhất là giá trị của những tác phẩm sáng tạo ra, để đem đến sự tươi mới và cái góc nhìn độc đáo của bản thân người làm sáng tạo, của những người phấn đấu trên con đường trở thành đạo diễn. Trách nhiệm của người làm sáng tạo, người làm đạo diễn là đem đến cái mới cho thế giới. Đây là một thách thức, một sự nguy hiểm với người khai sinh ra nó. Vì có thể thành phẩm không ăn khách, không quen thuộc v.v nhưng quan trọng nhất là nó có dấu ấn cảm xúc, và nếu như người làm sáng tạo, đã rung động, nhưng không làm, thì ai sẽ khai sinh ra góc nhìn này?

Impact Academy by Dentsu Redder
Wider Perspectives, Richer Souls

Chia sẻ bài này

Cấu trúc buổi chia sẻ

Đăng ký ở đây nhận ngay thông báo

Chúng tôi sẽ gửi đến bạn những thông tin cập nhật mới nhất về các khóa học và nội dung liên quan, những câu chuyện làm ngành và những case study đầy thú vị.