img

Session 10: Ngũ hành nhân sinh

Diễn giả:

Tiến sĩ Nguyễn Nam | Recapped by: Dentsu Redder

"Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ là 5 thành tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật trên Trái Đất. Thuyết Ngũ Hành được cho rằng chi phối sự vận động của vũ trụ và mọi cơ chế hoạt động từ lục phủ ngũ tạng; cho tới sự suy thịnh của các chế độ chính trị hay đặc tính của các vị thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền cùng vô vàn những khía cạnh thú vị khác được ứng dụng rộng rãi tại các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore v..v.
img img img
Chọn kênh nghe podcast:

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống.


1.  Ngũ Hành yếu lược trong khuôn khổ bài giảng

Nói về ngũ hành, đó là năm yếu tố gọi là Kim, Mộc Thuỷ, Hoả, Thỏ, tượng trưng cho Kim Loại, Cây cối/Thực vật, Nước, Lửa và Đất. Mỗi hành đều mang trong nó một tự tính quan trọng mà ngay cái tên đã nói lên được gần hết. Ví dụ như Mộc tượng trưng cho cây cối, luôn sinh sôi nảy nở; Thuỷ tượng trưng cho nước, nước chảy mây trôi khó nắm bắt, lúc bạo liệt, lúc êm dịu v.v.

Người xưa mượn ngũ hành trước hết để mô tả thế giới này từ những nguyên tố đại diện, sau đó, để diễn hoá sự vận hành và như một khao khát tìm ra được các yếu nghĩa của cuộc sống, để lý giải, nương theo hoặc điều khiển vận mệnh, con người đem vào đó các nguyên tắc diễn hoá, mà trong ngũ hành, nổi trội nhất là Tương Sinh và Tương Khắc.

Tương sinh như Thổ sinh Kim: Kim loại sinh ra từ lòng đất; hay Kim sinh Thuỷ, nghĩa là Kim loại nóng chảy ra dạng nước. Tuy nhiên chúng ta không thể lý giải Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ sao dạng “thuỷ” đó không tưới “cây” được, vậy sao lại nói Thuỷ sinh Mộc. À, cái nghĩa tương sinh ở đây phải hiểu thoáng ra và hiểu trong sự phân tách của các yếu tố trước đã, sau là luận bàn tính chất của Thuỷ, của Mộc trong từng trường hợp. Thuỷ cũng có Thuỷ this, Thuỷ that, Mộc cũng có Mộc this,  Mộc that.

Tương khắc như Thuỷ khắc hoả: Nước dập tắt lửa, hay Mộc khắc Thổ: cây bám trên đất mà sống, hút chất dinh dưỡng từ lòng đất. Cũng như trên, chúng ta không thể lý luận rằng cây cũng hút nước sao Mộc không khắc Thuỷ mà lại Thổ khắc Thuỷ? Ở đây, trên phạm trù về khái niệm, chúng ta phải chấp nhận và suy nghĩ từ gốc độ của người xưa, hơn là lý luận lý tính đơn lẽ.

Ngũ hành là gì? Tất tần tật về Ngũ hành tương sinh, tương khắc

 

Bản chất của tương quan Ngũ hành là không có tương Sinh và tương Khắc tuyệt đối. Mỗi hành đều có sự tác động trực tiếp lên hành khác đồng thời cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của các hành còn lại. Vì thế một môi trường với ngũ hành cân bằng là điều rất lý tưởng. Nói cách khác là hiện tượng tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Do đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển.

Hiểu được tính Tương sinh, Tương khắc ở mức độ cơ bản, là có thể gần với Triết lý Ngũ  hành thêm một bước. Tuy nhiên, để thật sự có thể phân tích là diễn giải sự vật hiện tượng theo thuyết Ngũ Hành này, không chỉ đơn thuần là gán ghép định danh, mà còn phải hiệu được tính chất sự vật sự việt, và cách suy lý của người xưa để áp dụng. Một ví dụ điển hình cho việc này, đó là hãy nhìn vào cái tủ lạnh mà bạn đang xài. Tủ lạnh đó là hành gì? Hành Kim (vì nó cấu thành từ kim loại), hay hành Hoả (vì nó xài điện), hay hành Mộc (do chứa trái cây), hay hành Thuỷ (vì có sản sinh nước đá) etc. Hoặc nhìn đơn thuần và phán sự tương sinh tương khắc của các hành dựa trên sự tương đồng về mặt định danh nói trên.

2. Ngũ hành gia nhập cuộc sống thông qua việc diễn dịch và sử dụng ngũ hành trong đời sống thường nhật và các tương tác xã hội

Lấy ví dụ, Ngũ Hành được diễn hoá thành các phương vị, trong đó Trung vị là Thổ, Đông Tây Nam Bắc ứng lần lượt với Mộc, Kim, Hoả, Thuỷ; hoặc Ngũ thường là hình khí của Ngũ hành với Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ ứng với Nghĩa ,Nhân, Trí, Lễ, Tín; hoặc Ngũ Tạng - Kim (Phổi), Mộc(Gan), Thuỷ(Thận), Hoả (Tim), Thổ (Dạ dày) - khác một tí với hệ thống của Trung Hoa mà trong đó Dạ dày là Mộc, Tâm là Thổ, Phế là Hoả, Gan là Kim. Hoặc khi nói về màu sắc: Mộc (Xanh), Hỏa (Đỏ), Thổ (Vàng), Kim (Trắng), Thủy (Đen).

Khi gắng với Ngũ hành, con người dễ từ đó suy lý hơn, giải thích cũng dễ hiểu, dễ thuyết phục và khái quát hoá hơn. Ngay cả trong góc độ Lịch sử, Nhà Nguyễn là hành Thủy. Mà nước Pháp (法) thì chữ Pháp ấy có nghĩa là Khứ Thủy, lại có chữ Thổ ở trong – nên nhà Nguyễn mất về tay Pháp; hoặc nhà Tần, Tần Thuỷ Hoàng đại diện cho Hành Thuỷ, màu đen, chiến thắng nhà Châu, Hành Hoả là chuyện “thuận (chơn) lý.

Trong các hình tượng văn hoá Việt Nam, trong Đạo Mẫu có Tứ Phủ, chính là “Tứ phủ công đồng” (四府公同) hay “Tứ phủ Vạn Linh” (四府 萬 靈) là một khái niệm có quan hệ biện chứng mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Tứ phủ bao gồm: (1) Thiên phủ (miền trời): Mẫu Đệ Nhất (Mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp, là Thần chủ đứng đầu trong Tứ Phủ, (2) Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu Đệ Nhị (Mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh; (3) Thuỷ phủ (miền sông nước): Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp, (4)  Địa phủ (miền đất): (Mẫu Địa) quản lý vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống. Khi nhắc đến Tứ phủ, không thể nào không nhắc đến Ngũ Hổ Tướng Quân là năm vị Thần Hổ cai quản ngũ phương, ngũ hành trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ. Các Ngài là chư vị sơn thần biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, là bộ hạ của Mẫu giữ vai trò gác cổng cho các đền phủ, tiêu diệt tà ma, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất.

Ngũ Hổ Thần Quan bao gồm năm vị với năm màu sắc khác nhau, danh xưng cấu trúc theo thứ tự: <Ngũ Phương – Can – Ngũ Hành – Ngũ Sắc>. Như vậy, các Ngài trấn giữ ngũ phương tuân theo quy luật ngũ hành: Hoàng Hổ (màu vàng - hành thổ) ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện, Thanh Hổ (màu xanh - hành mộc) ứng với phương Đông, Bạch Hổ (màu trắng - hành kim) ứng với phương Tây, Xích Hổ (màu đỏ - hành hỏa) ứng với phương Nam, Hắc Hổ (màu xám đen - hành thủy) ứng với phương Bắc. Hình tượng Ngũ Hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà thánh. Trong đó, Hoàng Hổ tướng quân giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương. Ông là vị lãnh chúa cao nhất, thâu tóm mọi uy quyền, quyết định âm phù dương trợ cho dân gian.

Một sự thật thú vị khác, với cách diễn hoá Ngũ hành trong đời sống, người Nhật xem đó là Ngũ đại. Theo triết lý Phật giáo Nhật Bản, 5 nguyên tố tạo nên vũ trụ bao gồm Lửa, Nước, Đất, Gió và Không. Tổng hòa của chúng được gọi là Godai (五大) trong đó Go (五)- Ngũ nghĩa là năm yếu tố và Dai (大)- Đại có nghĩa là to lớn, vĩ đại. Chính vì lý do đó, lý thuyết về 5 nguyên tố này chính là nguồn gốc của văn hóa Nhật Bản, là khởi nguồn cho vũ trụ. Mỗi yếu tố đại diện cho một xu hướng của thế giới kể cả về vật chất và tinh thần. 5 nguyên tố này cũng tồn tại trong chính mỗi cá nhân và điều khiển mọi suy nghĩ của như hành động của con người. Đại diện cụ thể nhất của Godai chính là  Gorintō (Gorinto) 五輪塔. Gorinto là một kiến trúc bia mộ cổ bằng đá 5 tầng mà bạn rất dễ bắt gặp ở những khu vườn kiểu Nhật. Nhưng có mấy ai hiểu được ý nghĩa đằng sau hình dạng độc đáo ấy 5 tầng của Gorinto chính là đại diện cho 5 nguyên tố xếp chồng lên nhau, với tầng đầu tiên chính là mặt đất và tầng khí quyển nằm ở trên cùng (Không - Không Khí/Tính Không). Cần lưu ý, Không ở đây không phải là nothingness. Không ở đây là Emptiness, là không gian để có thể hoà hợp và chứa đựng 4 nguyên tố kia. Đây là cách bản địa hóa hay một góc nhìn khác về Ngũ hành trong đời sống.

3.  Ngũ hành trong đời sống xưa và nay, đời sống đương đại và căn tính người Việt

Không khó khăn chỉ để thấy rằng triết lý ngũ hành diện diện xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Kinh Việt đến ngày hôm nay, thể hiện từ trong đời sống văn hoá, ẩm thực, nhạc hoạ, thi ca v.v Điển hình là trong các sự kiện quan trọng của dân tộc, từ các hình thức, trang phục truyền thống (ví dụ như Cờ ngũ hành có chữ hán dịch nghĩa là Quốc tổ Hùng Vương) cho đến những yếu tố chi phối quyết định, điển hình như cưới sinh, ma chay, hiếu hỷ, an cư, lạc nghiệp.

Không dễ gì để có thể thấy yếu tố ngũ hành chi phối các hoạt động trong đời sống nhân sinh, chi phối cách tư duy về thế cuộc, định mệnh một cách gián tiếp hay trực tiếp. Chúng ta thường thấy đầu mỗi năm, phần lớn đều xem thử vận mệnh năm nay thế nào, và đó đều dựa vào phần lớn ngũ hành thuật số. Hoặc chuyện hợp nhau không chỉ do ý người, mệnh trời mà còn là sự dung hoà của các yếu tố ngũ hành.

Dù cho chúng ta có đang cố gắng thoát khỏi sự ràng buộc của những truyền thống hay lối tư duy cổ xưa, có thể dẫn đến những cực đoan và hủ tục, phần nào đó chúng ta đều mong muốn kế thừa và phát huy triết lý Ngũ Hành, đề từ đó đem vào trong cuộc sống những cách thức hạn chế sự "hoại" - từ tương khắc và nảy nở sự "tăng trưởng" - từ tương sinh.

Đối với cuộc sống đương đại, Ngũ Hành đã được "built" và thấm vào trong cuộc sống này như một sự trợ giúp từ truyền thống, người xưa, và đạo lý ở đời. Nhưng trọng trách người trẻ là sáng tạo. Sáng tạo truyền thống, sáng tạo văn hoá với sự kế thừa những giá trị và triết lý, không chỉ riêng gì với triết lý ngũ hành. Suy cho cùng, đó là những triết lý được sáng tạo ra, gửi gắm một mong mỏi được thông tường, được hiểu và diễn dịch để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, Thầy có ý rằng chúng ta có thể mượn và có thể xây dựng, sáng tạo như người xưa đã từng làm, và trong lúc chúng ta tiếp cận, tìm về quá khứ, diễn giải quá khứ qua những triết lý, chúng ta "sáng tạo" góc nhìn và những sự vật hiện tượng.

4.  Thay lời kết

Ngũ hành là một lời cảnh tỉnh để sống trong tỉnh thức, vừa nhận thức vừa thay đổi. Trong Triết lý ngũ hành thì sự tương sinh và tương khắc diễn ra đồng thời, trong sự cân bằng và vận động của các hành. Nếu chúng ta chỉ dựa vào việc “khuyết” hay “dư”, “sinh” hay “khắc” để dùng nó vào việc mưu cầu thành bại, thì có vẻ như Triết lý Ngũ hành đã bị thiên kiến.

Ngũ hành cũng như âm dương, tồn tại hài hòa nội tại và với những yếu tố khác/triết lý/khái niệm khác trong cuộc sống như tử vi, bát quái, âm dương, đạo v.v Do đó, không nên bị bám chấp/đóng khung vào Ngũ Hành. Chúng ta có khả năng kết nối với bất kỳ ai bất kỳ đâu. Khả năng của chúng ta cũng là vô hạn. Do đó chúng ta phải tự trải nghiệm và phân định được các sự vật, hiện tượng, để tiếp thu và kết nối, làm giàu mạnh cho bản sắc dân tộc và căn tính Việt. Khả năng này các bạn trẻ GenZ có thế mạnh đáng kể. Và trong thế giới đương đại, cần lắm tư duy phản biện để nhìn rõ, nhìn rộng những sự vật hiện tượng, thấu đáo cách nghĩ cách dùng của các triết lý nhưng không được bỏ quên tư duy mở để đón nhận, để tìm hiểu và dung nạp các yếu tố truyền thống, yếu tố ngoại lai nhằm chắt chiu và xây dựng bản sắc.

Và nếu những người trẻ yêu quý truyền thống, văn hóa và triết lý tư tưởng nên nghiên cứu ngũ hành để hiểu thêm về một viên gạch quan trọng trong nền tảng văn hóa nước nhà. Chúng ta lớn lên thấy tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam với đời sống đương đại nhưng đừng quên chúng ta là người kiến tạo và xây dựng các phẩm chất của người Việt Nam đương đại và làm nổi trội hơn các phẩm chất tốt đẹp.

Impact Academy by Dentsu Redder
Wider Perspectives, Richer Souls

 

Chia sẻ bài này

Cấu trúc buổi chia sẻ

Đăng ký ở đây nhận ngay thông báo

Chúng tôi sẽ gửi đến bạn những thông tin cập nhật mới nhất về các khóa học và nội dung liên quan, những câu chuyện làm ngành và những case study đầy thú vị.